Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Người dân sẵn sàng hỗ trợ chống tội phạm

Bộ Công an vừa tổ chức lễ ra quân đợt cao điểm tấn công tội phạm (diễn ra từ ngày 16-12-2011 đến ngày 15-2-2012) trên các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, trong đó TPHCM được xác định là một trong 18 địa phương trọng điểm.
Qua ghi nhận của PV Báo SGGP, đông đảo người dân TPHCM đều ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ lực lượng công an triệt phá tội phạm.
Lực lượng công an bắt giữ Hoàng Văn Thiệp (tức “Hiệp đầu bạc”), đối tượng cầm đầu băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên các công trường xây dựng.
“Việc mở đợt cao điểm tấn công tội phạm vào thời điểm này là cần thiết, khi gần đây tình hình trật tự xã hội trong cả nước nói chung và TPHCM nói riêng có phần bất ổn. Chúng tôi rất mong lực lượng công an truy quét các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức theo kiểu xã hội đen, nhất là các băng nhóm đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, tổ chức cờ bạc sẵn sàng dùng vũ lực với người khác. Ngoài ra, cũng cần tăng cường bảo vệ an ninh trật tự tại các KCX-KCN vì đây là thời điểm cận tết, công nhân chuẩn bị lĩnh lương, thưởng cuối năm nên là đối tượng cho loại tội phạm cướp giật nhắm đến” - anh Trần Tiến Đức (nhà ở đường Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú) góp ý. Ngoài ra, anh Đức cho rằng CB-CS công an phường cũng nên sâu sát địa bàn, khu vực để kịp thời xử lý tội phạm phát sinh.
Còn theo ông Trần Thanh Phương (ngụ đường Nguyễn Thông, phường 9 quận 3), điều đáng lo ngại là gần đây ngày càng nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng rút dao “nói chuyện” khi xảy ra va chạm, mâu thuẫn cá nhân. Vì thế cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này. Bên cạnh đó là số vụ chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng. Hình ảnh người vi phạm tát tai cảnh sát giao thông, lớn tiếng đe dọa hay ném vật cứng vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ thể hiện thái độ tự cho mình đứng trên pháp luật là không thể chấp nhận, cần phải có hình thức xử lý thật nghiêm, mang tính răn đe đối với đối tượng này.
Để công tác đấu tranh chống tội phạm đạt hiệu quả cao, không thể không cần đến vai trò của quần chúng nhân dân. Kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa UBMTTQ Việt Nam và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới” 10 năm qua cho thấy, người dân TPHCM đã cung cấp công an 828.705 tin có liên quan đến an ninh trật tự, giúp cơ quan công an giải quyết 161.209 vụ việc, bắt giữ 20.506 đối tượng phạm pháp quả tang; giao nộp công an 3.208 khẩu súng, lựu đạn, trái nổ, 40.752 viên đạn các loại, 22.839 vũ khí thô sơ…; qua đó góp phần kéo giảm 44% số vụ phạm pháp hình sự so với trước đó. Điều đó cho thấy người dân sẵn sàng hỗ trợ lực lượng công an triệt phá tội phạm. Tuy nhiên, người dân yêu cầu phải được bảo vệ an toàn trước hành vi trả thù của các đối tượng phạm tội. Bởi lẽ vụ ông Đặng Xuân Sỹ bị Ngô Quang Trưởng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải, thuê giang hồ sát hại do tố cáo hành vi sai phạm của Trưởng đến cơ quan chức năng, hay một số vụ “hiệp sĩ đường phố”, người dân tham gia truy bắt tội phạm bị kẻ phạm tội quay lại xâm phạm sức khỏe thời gian qua, đã tạo tâm lý lo sợ nơi người dân.
Chị Trần Kim Ni (làm việc tại một công ty trên đường Sương Nguyệt Anh, phường Bến Thành, quận 1) cho rằng, ngoài việc khuyến khích người dân tố giác tội phạm, cơ quan công an cần tổ chức mạng lưới nhận tin báo một cách hiệu quả hơn để tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, hiệu quả tức thời nguồn tin.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (ngụ phường 10 quận 6) nói thêm: “Báo tin tố giác tội phạm là cách người dân góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của gia đình mình. Nhưng có những lúc cán bộ trực ban không quan tâm đến tin báo tội phạm, thậm chí còn thờ ơ khi người dân gọi đến, nên việc xử lý bị chậm trễ, do vậy cần sớm khắc phục tình trạng này”.
Ái Chân
SGGP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét