Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Nga-Trung ngăn ngừa "kịch bản Iraq" đối với Iran

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga Igor Barinov ngày 9-11 tuyên bố Nga cần phối hợp với Trung Quốc để ngăn ngừa một “kịch bản Iraq hoặc Afghanistan” xảy ra với Iran.

Theo ông Barinov, bản báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) khiến người ta nhớ những gì từng xảy ra với Iraq. Chính những thông tin do các cơ quan tình báo phương Tây công bố đã châm ngòi cho một sự can thiệp quân sự quy mô lớn nhằm vào Iraq trong một thời gian dài.
    

Nhà máy sản xuất nhiên liệu ở tỉnh Isfahan, miền Trung Iran. Ảnh tư liệu: AFP
   
Iran sẵn sàng đàm phán
 
Bộ Ngoại giao Iran ngày 9-11 tuyên bố Tehran sẵn sàng tham gia đàm phán với các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân của nước này, với điều kiện "đàm phán trên quan điểm bình đẳng và tôn trọng quyền lợi của các dân tộc".
Iran cũng nhấn mạnh thời điểm nối lại các cuộc đàm phán phụ thuộc vào thái độ của các nước khác, chủ yếu là nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức).
“Iraq chìm trong chiến tranh, hận thù nhiều năm dài, và giờ đây vẫn không hề phát hiện bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào ở đây như báo cáo của các nước phương Tây” – ông Barinov nói.
 
Ông Barinov cho rằng những bằng chứng (của IAEA) chưa được kiểm tra chỉ là lý lẽ để Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc quốc áp đặt các biện pháp cấm vận mới đối với Tehran.
 
“Bắc Phi và Iran đều là những mắt xích trong cùng một chuỗi. Và sự leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân Iran có thể khiến nước này bắt đầu cũng như tăng tốc nghiên cứu hạt nhân theo hướng quân sự” – ông cảnh báo.
 
Khi được hỏi Nga nên xử lý tình huống này như thế nào, ông Barinov thừa nhận Iran là “một đối tác khó chơi”. Ông nói: “Khi họ gặp khó khăn, họ quay sang Nga, hứa hẹn này nọ, nhưng khi tình hình ổn định hơn, họ quên ngay những gì đã hứa”.
 
Tuy vậy, theo ông Barinov, tình hình căng thẳng ở Iran cũng khiến Nga bị ảnh hưởng nặng. “Những lợi ích kinh tế trong giao dịch thương mại với Iran có thể sẽ chấm hết nếu căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm” – ông cho biết.
 

Tổng thống Iran khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi con đường hạt nhân mà nước này đã chọn. Ảnh: Reuters
 
Trước đó, Nga đã bác bỏ việc nước này sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Iran mới. Hãng Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nói: "Mọi trừng phạt thêm đối với Iran sẽ bị cộng đồng quốc tế nhìn nhận là nhằm thay đổi chế độ ở Tehran. Chúng tôi không thể chấp nhận cách tiếp cận này và Nga không có ý định xem xét đề xuất đó".
 
Tuy nhiên, ông Gatilov không cho biết liệu Moscow có phủ quyết các biện pháp trừng phạt bổ sung hay không.
 
Cùng ngày, Anh – Pháp - Đức dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt mới và cứng rắn hơn đối với Iran nếu nước này từ chối trả lời những câu hỏi của quốc tế về chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, cả Berlin, London và Paris đều kiên quyết phản đối mọi hành động quân sự nhằm vào Iran.
 
Tuyên bố đầu tiên của Israel sau báo cáo của IAEA
 
Ngày 9-11, trong tuyên bố chính thức đầu tiên sau khi IAEA công bố bản báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran, Văn phòng Thủ tướng Israel nói: "Báo cáo của IAEA đã củng cố quan điểm của cộng đồng quốc tế, cũng như của Israel, rằng Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân. Cộng đồng quốc tế phải chặn đứng việc Tehran theo đuổi vũ khí hạt nhân, vấn đề đe dọa tới hòa bình của thế giới và khu vực Trung Đông". 
Bằng Vy (Theo Irar-Tass, AFP, Reuters)
NLĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét