Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Mật phục “ma men”

Trong thời gian từ 12 giờ đến 14 giờ 30 phút ngày 9-11, hàng chục người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu “quá chén” đã bị lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn

Trưa 9-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã theo chân tổ công tác thuộc Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) - Bộ Công an túc trực tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để kiểm tra đột xuất những trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vừa rời quán bia và có hơi men.
Mỗi cốc bia giá 150.000 đồng
Nhẩm đếm sơ bộ cho thấy gần 20 quán bia xung quanh ngã tư này, trong đó có những quán nổi tiếng ở Hà Nội. Theo các chiến sĩ CSGT, vào các buổi trưa và chiều tối, quán nào cũng chật kín thực khách. Nhiều người ra về khi đã có biểu hiện “quá chén”.
Bộ đàm trên tay thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó trưởng Phòng Tuần tra - Kiểm soát và Xử lý vi phạm giao thông (Phòng 6 - C67), liên tục nhận được thông báo: “Đề nghị toàn đội kiểm tra người điều khiển xe máy BKS… vừa rời quán bia H.V.”. Đây là những tín hiệu được các chiến sĩ CSGT mặc thường phục túc trực gần các quán bia chuyển về.

Kiểm tra nồng độ cồn một người điều khiển phương tiện giao thông ở Hà Nội
Vừa rời quán bia được hơn100 m, ông Cao Văn Cự (quận Hoàn Kiếm-Hà Nội) bị một chiến sĩ CSGT ra hiệu dừng xe, xuất trình giấy tờ. Sau khi giải thích về chiến dịch tuần tra, kiểm soát nồng độ cồn trong máu đang được C67 phối hợp với Công an TP Hà Nội triển khai, thượng tá Nguyễn Hữu Luyện hướng dẫn ông Cự hít sâu rồi thổi mạnh vào ống nhựa. “Các ống nhựa đều được đóng gói trong túi ni lông vô trùng và ông cũng không phải trả tiền cho việc kiểm tra này” - ông Luyện giải thích.
Cầm tờ kết quả trên tay, thượng tá Nguyễn Hữu Luyện thông báo với ông Cự: “Với nồng độ cồn trong máu là 0,033 mg/lít khí thở nên chưa bị xử phạt theo luật định nhưng ông cần lưu ý không sử dụng rượu bia trong khi điều khiển phương tiện giao thông”.
Sau ông Cự, một người điều khiển xe máy khác cũng bị kiểm tra nồng độ cồn vì có biểu hiện uống nhiều rượu bia. Kết quả, nồng độ cồn trong máu của người này là 0,295 mg/lít khí thở nên bị lập biên bản xử phạt 300.000 đồng. “Trưa nay, tôi chỉ uống khoảng 2 cốc bia với bạn bè, tính ra mỗi cốc giá 150.000 đồng. Đắt quá!” - người này than thở.
Trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 14 giờ 30 phút, hàng chục trường hợp có dấu hiệu “quá chén” đã được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Những thắc mắc về mức tiền phạt đều được các chiến sĩ CSGT giải thích bằng Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
“Người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở và trên 0,4 mg/lít khí thở đối với người điều khiển xe máy sẽ bị giữ phương tiện 10 ngày, đồng thời tước giấy phép lái xe 30 ngày. Cùng vượt mức 0,4 mg/lít khí thở, ô tô bị phạt 5 - 10 triệu đồng, còn xe máy bị phạt 500.000 - 1 triệu đồng” - ông Luyện cho biết.
Có thể thực hiện tại TPHCM
Theo thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và Hướng dẫn xử lý tai nạn giao thông (C67), việc CSGT cải trang để tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm về nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện giao thông được thực hiện theo kế hoạch của Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.
Trong thời gian từ ngày 5 - 11 đến 5 - 12, C67 và lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ tổ chức nhiều tổ tuần tra để xử lý người vi phạm trên Quốc lộ 1A và 3 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Trong tổ tuần tra sẽ có 2-3 người mặc thường phục, túc trực tại khu vực gần các quán nhậu. Khi phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm, các chiến sĩ này lập tức thông báo cho đồng đội mặc sắc phục đứng ở các ngả đường gần đó để dừng xe, kiểm tra.
“Tình hình tai nạn giao thông thời gian qua diễn biến khá phức tạp mà nguyên nhân lớn xuất phát từ người sử dụng rượu bia tham gia giao thông. Việc này cần được theo dõi, xử lý nghiêm theo đúng quy định tại Nghị định 34. Sau khi thí điểm, chúng tôi sẽ đánh giá lại, nếu hiệu quả, sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương khác, trong đó có TPHCM” - ông Trần Sơn nói.
Ông Sơn cho biết nếu người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định, lực lượng CSGT sẽ giữ xe hoặc liên lạc, phối hợp với người nhà của họ đưa về an toàn.
Né và chống đối CSGT
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, bảo vệ các quán bia đã thông báo cho không ít thực khách gửi lại xe, đi taxi về hoặc vào các ngõ, ngách để “qua mặt” lực lượng CSGT. Thậm chí, một tài xế taxi của hãng Phù Đổng có dấu hiệu sử dụng rượu bia đã không chịu xuất trình giấy tờ. Tài xế này còn lao xe vào chân một chiến sĩ CSGT và gọi điện cầu cứu người thân ở gần đó. “Chúng tôi sẽ đề nghị xử lý đối tượng này về tội chống người thi hành công vụ” - thượng tá Nguyễn Hữu Luyện cho biết.
Bài và ảnh: THẾ KHA
Theo NLĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét