Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

2 phương án "cứu" Bianfishco


Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng (DATC - Bộ Tài chính) đang xem xét bơm tối đa 250 tỷ đồng vào các tài sản xương sống của Công ty thủy sản Bình An (Bianfishco), giúp đơn vị này trở lại hoạt động.
Ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC cho biết, công ty này dự kiến đưa ra 2 phương án giúp Bianfishco trở lại hoạt động bình thường.

- DATC được thành lập với mục tiêu xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. Tại sao lần này DATC lại tham gia "giải cứu" doanh nghiệp tư nhân?

Hiện nay ngành thủy sản nói chung đang gặp khá nhiều khó khăn. Đối với các doanh nghiệp chế biến cá tra, rủi ro rất lớn do đầu tư ban đầu nhiều, lãi suất cao. Bianfishco là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về trong lĩnh vực này và việc họ ngập trong nợ nần có tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội của địa phương cũng như khu vực.

Vì vậy chúng tôi quyết định tham gia. Tuy nhiên, phải khẳng định việc tham gia của DATC vào Binhanfishco đơn thuần là quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

- Vậy phương án DATC dự kiến đưa ra để "giải cứu" Bianfishco như thế nào?

DATC còn phải đánh giá lại thật kỹ, kiểm toán toàn bộ thì mới đưa ra được phương án. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi cũng đã tính đến một số phương án.

Phương án thứ nhất là tìm nhà đầu tư nước ngoài "bán đứt". Thậm chí, nếu nhà đầu tư trong nước có đủ tiềm lực có nhu cầu cũng sẽ bán. DATC sẽ đứng vai trò trung gian để dàn xếp, thậm chí tham gia một phần nhỏ. Theo phương án này doanh nghiệp có thể trả tiền mua theo lộ trình nhưng trước hết "bơm" vài trăm tỷ để nhà máy đi vào hoạt động.
 Ảnh minh họa

Phương án thứ hai là DATC tư vấn, đưa ra giải pháp để cho doanh nghiệp và các chủ nợ ngồi với nhau. Chúng tôi cũng nghiêng nhiều về phương án thứ hai vì tính khả thi cao hơn. DATC sẽ chỉ tham gia một phần chứ không "bơm” nhiều tiền vào Bianfishco. DATC sẽ cho kiểm toán và đánh giá hết lại tài sản, công nợ và đưa ra phương án xử lý tài sản. Cơ cấu lại tài sản, bán các tài sản không cần thiết như Nhà máy collagen, viện nghiên cứu, vùng nuôi trồng… chỉ giữ lại tài sản lõi là nhà máy chế biến. Riêng việc cơ cấu lại tài sản có thể thu về hàng trăm tỷ đồng.

Tiếp theo sẽ cơ cấu lại cổ đông. Mời cổ đông chiến lược vào, đồng thời mời các chủ nợ cùng tham gia, đặc biệt là các ngân hàng. Sau khi cơ cấu lại sẽ để các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản tham gia điều hành trực tiếp.

Tôi biết hiện cũng có nhóm nhà đầu tư trong nước là các doanh nghiệp thủy sản có tín hiệu muốn thông qua các quỹ đầu tư để tham gia vào Binhanfishco, vì đây là nhà máy chế biến thủy sản hiện đại và đã có những đơn hàng đi Mỹ, Nhật và các thị trường khó tính. Tuy nhiên, cả hai phương án muốn thành công cần phải có cổ đông mới có năng lực thực sự và am hiểu về thủy sản.

- Để lập phương án cơ cấu lại Bianfishco sẽ mất bao lâu?

Nếu tích cực làm thì trong khoảng một tháng là hoàn thành, nhưng điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào các chủ nợ. Các chủ nợ phải có thiện chí thì mới tiến hành nhanh được. Nếu không, việc này có thể kéo dài hằng năm nếu chưa thống nhất được giá trị các khoản nợ đối với các chủ nợ.

Chúng tôi phải cân nhắc kỹ và chỉ bơm tiền vào các tài sản xương sống của doanh nghiệp như nhà máy và cùng lắm là vùng nguyên liệu để nhà máy có thể quay trở lại hoạt động và tạo ra nguồn thu để trả nợ. Chúng tôi cho cần câu chứ không cho con cá. Mức "bơm" tiền tối đa có thể là 250 tỷ đồng.

- Ông đánh giá như thế nào về khả năng giải cứu thành công Bianfishco?

Khả năng thành công là rất lớn. Hiện nay một số nhà đầu tư đã liên hệ để tham gia. Chúng tôi cũng đang tìm một ngân hàng để tham gia cùng. Theo tính toán của tôi nếu bơm khoảng 500 tỷ đồng là có thể đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Trên thực tế chúng tôi đã xử lý thành công nhiều trường hợp doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất xấu. Chẳng hạn như cuối năm 2006 chúng tôi xử lý thành công Sadico. Đầu năm 2007, DATC bơm vào doanh nghiệp này 200 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi thì đến cuối năm 2007, họ đã hoạt động có lãi và chia cổ tức. Trường hợp của Bianfishco phức tạp hơn nhưng tôi tin là không quá 2 năm.

(theo Diễn đàn doanh nghiệp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét