Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice kể về Gaddafi

Cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice

Cái chết của ông Muammar Gaddafi đã lập tức tác động đến diễn đàn văn học khi cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tung ra cuốn hồi ký về nhà lãnh đạo Libya bị lật đổ.
Cuốn hồi ký No Higher Honor (Không vinh dự nào lớn hơn) của bà Rice kể lại cuộc viếng thăm chính thức Libya của bà vào tháng 9-2008 để gặp ông Gaddafi. Trong đó, bà Rice đã kể lại nhiều chuyện tế nhị về quan hệ cá nhân với ông Gaddafi và đánh giá thực chất về nhà lãnh đạo này.
Cuốn hồi ký sẽ được phát hành ngày 2-11 và đã được báo Mỹ Daily Beast trích đăng một số chương quan trọng. Bà Rice viết: “Rõ ràng cuộc viếng thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ kể từ năm 1953 sẽ là một cột mốc lớn trên con đường Libya tiến tới mục tiêu được quốc tế công nhận. Nhưng ông Gaddafi cũng phần nào bị cám dỗ một cách bí ẩn bởi cá nhân tôi khi ông hỏi các vị khách tại sao “nàng công chúa châu Phi” của ông không thể đến thăm ông!”.
Bà Rice kể đã được cảnh báo trước khi gặp ông Gaddafi là thận trọng với “cách hành xử điên cuồng” của ông ta và điều này đã được xác nhận. Bà viết: “Trong buổi tiếp tôi, ông ta bỗng nhiên ngừng nói, lắc đầu rồi tuyên bố: “Bà hãy nói với Tổng thống Bush đừng nói gì đến giải pháp hai nhà nước Israel và Pelestine. Cần phải có một nhà nước, đó là Israeltine!”. Khi đó, tôi thầm nghĩ đúng là tính khí Gaddafi!”.
Báo Daily Beast nhận xét: “Ông Gaddafi rất khâm phục bà Rice. Năm 2007, ông đã nói với đài truyền hình Al Jazeera: “Tôi khâm phục và tự hào về người phụ nữ da đen châu Phi đáng yêu”.
Trong quan hệ cá nhân với ông Gaddafi, bà Rice kể bà khác hẳn cựu thủ tướng Anh Tony Blair, không đồng ý gặp ông Gaddafi trong căn lều sang trọng của ông ta mà gặp và hội đàm đàng hoàng tại dinh thự riêng của nhà lãnh đạo này.
Bà viết trong hồi ký: “Trong cuộc hội đàm, rõ ràng đã có giao ước có đi có lại về ngoại giao: Chúng ta giúp Libya trở lại vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế nhưng thật không dễ, không chỉ vì quá khứ tàn bạo lâu dài của ông ta. Sau chuyến thăm, tôi hiểu rằng cuộc đời Gaddafi dài hay ngắn do chính ông ta quyết định”.
Thanh Tùng
Theo NLĐ

Phương Tây tăng sức ép lên Syria

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain

Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đã kêu gọi Tổng thống (TT) Syria Bashar al-Assad từ chức nhân hội nghị thượng đỉnh của khối này tại Brussels hôm 23-10 cáo buộc ông Assad dùng vũ lực đàn áp người biểu tình.

Hãng tin Nga RIA dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron: “TT Bashar al-Assad phải từ chức”. Các nhà lãnh đạo EU đồng thời tuyên bố sẵn sàng trừng phạt chính quyền Syria hơn nữa nếu các cuộc đàn áp người biểu tình vẫn tiếp tục.
Về phía Mỹ, thành viên cao nhất của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Quân lực Thượng viện là ông John McCain đã đề xuất việc can thiệp quân sự để bảo vệ thường dân Syria trong lúc các chiến dịch của NATO tại Libya hầu như kết thúc. Ông McCain nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Jordan: “Giờ đây, khi các chiến dịch quân sự ở Libya đang kết thúc, nên có sự chú trọng vào hoạt động quân sự thiết thực nhằm xem xét việc bảo vệ mạng sống thường dân ở Syria. Chế độ của TT Assad không nên nghĩ có thể thoát khỏi tội giết người hàng loạt”.
Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin AP, hầu hết các nhóm đối lập của Syria, trong cũng như ngoài nước, đều phản đối việc can thiệp quân sự. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng khẳng định rằng khối đối lập ở Syria không kêu gọi can thiệp từ nước ngoài như tại Libya.
Theo NLĐ

Thổ Nhĩ Kỳ: Hàng ngàn người thương vong

Hàng trăm nhóm cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người mắc kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà bị trận động đất mạnh 7,2 độ Richter san bằng một ngày trước đó

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Idris Naim Sahin cho biết đã có ít nhất 220 người thiệt mạng và 1.090 người bị thương trong trận động đất nói trên. Trong số người thiệt mạng có 100 người ở thành phố Van và 120 người ở thị trấn Ercis, đều ở phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng theo đài CNN, ít nhất có 264 người chết và 1.300 người bị thương.
Số nạn nhân có thể còn tăng
Con số thương vong được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng do nhiều người có thể vẫn còn mắc kẹt trong đống đổ nát của hàng chục ngôi nhà bị sụp đổ. Ông Mustafa Erdik, người đứng đầu Đài Thiên văn Kandilli, cho biết số người thiệt mạng có thể lên đến 1.000. Ông nói: “Chúng tôi ước tính khoảng 1.000 tòa nhà bị hư hỏng và số người chết có thể từ 500 đến 1.000 người”.
Một bé gái (ảnh trái) và một bé trai (ảnh phải) được cứu sống bên dưới
một tòa nhà đổ sụp ở thị trấn Ercis hôm 24-10. Ảnh: REUTERS
Ông Sahin cho biết thêm rằng khoảng 80 tòa nhà nhiều tầng đã sụp đổ ở thị trấn Ercis, nơi bị thiệt hại nặng nhất. Theo hãng tin Anatolia, một số cư dân vẫn còn sống sót dưới đống đổ nát của khoảng 40 tòa nhà đã sụp đổ. Nỗ lực cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn bởi bị mất điện. 
Trong khi đó, phát biểu ngay sau khi đến thăm thành phố Van, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết vẫn còn nhiều người dân mất tích và ông lo ngại điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với dân làng sống tại những khu vực nông thôn hẻo lánh mà các nhóm cứu hộ chưa tiếp cận được.  Hàng chục ngàn người tại những vùng bị động đất tàn phá buộc phải trải qua đêm 23-10 ngoài trời trong điều kiện thời tiết giá rét. Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi đến vùng bị động đất tàn phá khoảng 7.500 chiếc lều, hơn 22.000 chiếc mền, khoảng 4.000 bếp lò…
Hơn 100 dư chấn
Theo hãng tin Reuters, trận động đất xảy ra lúc 13 giờ 41 phút hôm 23-10 (giờ địa phương) và kéo dài 25 giây. Hơn 100 dư chấn đã làm rung chuyển khu vực trong vòng 10 giờ kể từ khi động đất xảy ra. Chính phủ đã huy động  1.275 nhóm tìm kiếm, cứu hộ đến từ 38 thành phố và 145 xe cứu thương để đẩy nhanh quá trình hỗ trợ các nạn nhân của động đất. Ngoài ra, 6 tiểu đoàn quân đội được lệnh tham gia các nỗ lực cứu hộ.
Hãng tin  AFP cho biết trận động đất nói trên còn được cảm nhận tại miền Tây Bắc Iran, gây ra sự hoảng loạn tại một số thành phố lớn. Giới truyền thông Iran nói có 2 người bị thương nhẹ do ảnh hưởng của động đất.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và nhiều nhà lãnh đạo khác đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với các nạn nhân vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả thiên tai thảm khốc này. Theo hãng tin RIA Novosti, Tổng thống Dmitry Medvedev khẳng định Nga sẵn sàng cử 2 máy bay Il-76 chở lính cứu hộ và các nhân viên y tế tới hỗ trợ người dân vùng bị nạn khắc phục hậu quả trận động đất.
Trong khi đó, chính quyền Azerbaijan đã gửi 3 chiếc máy bay chở nhân viên cứu hộ và hàng cứu trợ đến những vùng bị động đất tàn phá ở Thổ Nhĩ Kỳ. Iran và Bulgaria cũng đã gửi hàng cứu trợ đến nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn tự khắc phục
Một quan chức Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ rằng cho đến giờ, nước này vẫn chưa kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Quan chức giấu tên này cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được đề nghị giúp đỡ từ hàng chục nước, trong đó có Israel nhưng từ chối tất cả đề nghị nói trên. Trong khi đó, Thủ tướng Tayyip Erdogan cám ơn các nước có đề nghị giúp đỡ nhưng khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể khắc phục hậu quả thảm họa động đất.
Hoàng Phương
Theo NLĐ

Kinh doanh lâu đài

Ở Đức hiện đang rộ lên việc mua bán lâu đài và trang viên không chỉ trong những người thuộc dòng dõi quý tộc mà cả với dân thường

Matthias Helzel, đồng sở hữu Công ty Bất động sản Vermittlung Historischer Immobilien, cho biết ông đã tham quan khoảng 1.000 lâu đài ở Đức, sau đó thống kê và đăng tải danh sách tại địa chỉ www.burgenwelt.de.
Gắn liền với lịch sử
Alexander Dragilev, một doanh nhân người Israel gốc Nga về hưu, yêu thích những tòa nhà gắn liền với lịch sử nên ông đã quyết định mua một tòa lâu đài để hưởng thụ phần đời còn lại với người vợ tên Marina.
Ông Dragilev đã tìm đến khoảng 20 lâu đài trước khi quyết định chọn tòa lâu đài 7 tầng, rộng 2.500 m2 có tên Burg Möckmühl ở bang Baden-Württemberg, nằm phía Tây Nam nước Đức. Tên lâu đài có nghĩa là “sự khổ luyện của thầy tu”, được nhắc đến trong sách vở lần đầu tiên vào năm 1150.

Tòa lâu đài Burg Möckmühl ở bang Baden - Württemberg. Ảnh: THE LOCAL
Một trong những vị chủ nhân của tòa lâu đài này từng bị đánh bại trong một trận chiến của cuộc Chiến tranh Hoa hồng (1455-1485) và bị mất một bàn tay. Nhờ sự khéo léo, ông đã tự tạo ra bàn tay nhân tạo có thể là đầu tiên trên thế giới. Hiện bàn tay được trưng bày tại bảo tàng trong vùng. Bàn tay giả có 2 nút giúp người sử dụng bắt lấy và thả đồ vật ra. Theo ý đồ ban đầu của người thiết kế, bàn tay được dùng để đỡ thanh kiếm nhưng thực tế nó chỉ được dùng như vật giữ những ly rượu.
“Có rất nhiều truyền thuyết đi liền với các tòa lâu đài và một trong số đó là có thật. Hơn nữa, tôi cảm thấy tòa tháp của lâu đài rất thú vị. Một ngày nọ, tôi tìm thấy một cái chuông cổ có từ thế kỷ XVII. Tôi đã treo nó lên, thật thú vị khi tiếng chuông vẫn rất thanh” - ông Dragilev lý giải nguyên nhân vì sao lâu đài kín cổng cao tường kia lại mê hoặc ông đến vậy. Báo The Local (Đức) cho biết không ai biết chính xác có bao nhiêu tòa lâu đài ở Đức nhưng việc mua bán lâu đài đang ăn nên làm ra khi ngày càng có nhiều người quan tâm, thích thú.
Phong phú về chủng loại
“Thay vì bỏ tiền tậu nhà chung cư, nhiều người lại nhắm đến một tòa lâu đài. Với vài người, mua lâu đài chính là hiện thực hóa ước mơ thuở nhỏ, trong khi một số khác lại mua để đầu tư. Không ít người muốn biến lâu đài thành khách sạn hay không gian làm việc cho các kiến trúc sư. Cũng có người chỉ đơn thuần muốn mua lại tòa lâu đài vốn thuộc về gia tộc của họ” – ông Helzel nói. Có một người Hà Lan sau khi mua một lâu đài ở bang Thuringia đã mở cửa chào đón mọi người đến tham quan.
Đối với người mua lâu đài, những đắn đo của họ không có gì khác với người chọn một căn nhà thông thường, nào là giá cả, diện tích lớn nhỏ thế nào… Từ đó, người mua sẽ định hình tòa lâu đài mình muốn mua trong đầu. Ông Helzel nói: “Một số người thích tòa lâu đài phải có tháp hoặc ở vùng nông thôn yên bình, trần nhà cao và nhiều ánh nắng lọt vào bên trong. Nhiều người lại tỏ ra thích thú với kiểu lâu đài hơi tối, pha chút gì đó bí hiểm như tòa lâu đài của vị bá tước khét tiếng Dracula”.
Công đoạn tiếp theo sẽ là sửa sang theo ý muốn của chủ nhân mới. Một người bạn của ông Helzel mất cả chục năm chỉ để tự mình trang hoàng tòa lâu đài và chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Ông Helzel chia sẻ: “Một mái nhà làm chúng ta tiêu tốn khoảng 500.000 euro. Với số tiền đó, chúng ta có thể mua đến 2 căn nhà”.
GIA HÒA
NLĐ

Scandal gián điệp Nga ở Đức

Hai điệp viên bí mật Nga được sử dụng ở Đức để chuyển tiếp thông tin nhạy cảm trong những trường hợp đặc biệt

Ở Đức cuối tuần qua đã nổ ra một xì-căng-đan gián điệp mới. Cảnh sát và cơ quan tình báo nước này đã bắt giữ 2 người bị tình nghi làm việc cho tình báo Nga. Theo tài liệu của báo chí Đức, 2 người này đã hoạt động ở Đức 20 năm và có liên lạc với điệp viên xinh đẹp Anna Chapman thuộc mạng lưới gián điệp Nga ở Mỹ. Tuy nhiên, báo Kommersant (Nga) khẳng định cặp vợ chồng này có một lối sống khép kín, không tiếp xúc với ai và chính tình báo Mỹ đã cung cấp thông tin về họ cho phía Đức.
Điệp viên bí mật
Một đặc vụ tình báo nước ngoài của Nga (giấu tên) hôm 24-10 cho biết 2 điệp viên Nga bị bắt ở Đức có lẽ là các điệp viên kỳ cựu từ thời Liên Xô đã nghỉ hưu, vốn chỉ được sử dụng trong các trường hợp hiếm hoi. Theo người này, 2 điệp viên nghỉ hưu trên thường được Moscow sử dụng như các “hộp thư” để chuyển tiếp thông tin nhạy cảm trong các trường hợp đặc biệt. Đặc vụ này nhấn mạnh: “Họ đã nghỉ hưu rồi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, họ có chuyển và nhận thông tin”.

Nhà chức trách Đức huy động cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm để bắt 2 người bị tình nghi làm gián điệp cho Nga. Ảnh: NEWSRU
Thoạt đầu, báo Der Spiegel của Đức đưa tin 2 người này có thể có mối liên hệ với mạng lưới điệp viên của Nga ở Mỹ đã bị trục xuất, bao gồm cả nữ điệp viên Anna Chapman. Theo báo này, cặp vợ chồng điệp viên bí mật này đã bắt đầu hoạt động ở Đức cho cơ quan tình báo KGB của Liên Xô trước đây.
Viện Tổng Công tố Đức chỉ xác nhận việc bắt giữ 2 người vì các cáo buộc làm gián điệp nhưng không tiết lộ quốc tịch của họ cũng như quốc gia mà họ phục vụ. Báo Der Spiegel xác định tên của họ là Andreas và Heirdrun, cùng 51 tuổi; còn báo Kommersant cho biết họ của hai người này là Anschlag. Báo chí Đức đưa tin 2 người Nga trên đến sinh sống ở Đức với hộ chiếu Áo. Theo luật pháp Đức, trước khi xác định tội, báo chí nước này không có quyền tiết lộ danh tính của những người bị tình nghi.
Trong hồ sơ kê khai, nơi sinh của Andreas được ghi là Argentina, còn nơi sinh của Heirdrun là Peru. Cơ quan tình báo Đức cho rằng thông tin trên không phù hợp với thực tế bởi vì trong suốt 20 năm, cặp vợ chồng này thoạt đầu liên lạc với tình báo Liên Xô, sau đó là tình báo Nga.
Sống khép kín
Viện Tổng Công tố Đức khẳng định việc bắt giữ 2 người này vì nghi ngờ hoạt động tình báo bí mật. Theo đó, chiến dịch bắt giữ được các nhân viên cảnh sát liên bang và lực lượng đặc biệt GSG-9 tiến hành cùng một lúc ở 2 thành phố phía Tây Nam nước Đức - Marburg và Balingen. Lực lượng đặc nhiệm Đức đã bắt Heirdrun khi bà ta đang chuyển số liệu về Moscow từ trong nhà của họ. Người chồng, Andreas, là kỹ sư chế tạo máy, bị bắt tại nơi làm việc ở Balingen. 
Báo Kommersant cho biết cặp vợ chồng này sống trong một căn nhà riêng tại một khu vực yên tĩnh ở ngoại ô thành phố Marburg. Cô con gái của họ học tại trường đại học địa phương. Theo hàng xóm của họ, 2 người mới đến nơi này cách đây hơn một năm, họ thuê nhà để ở, không hề tham gia một tổ chức hay câu lạc bộ nào ở địa phương, cũng chẳng bao giờ đến dự các buổi lễ hội địa phương. Và chỉ sau khi họ bị bắt, người ta mới chợt nhận ra rằng không một người hàng xóm nào có ảnh chụp chung với họ.
Theo báo chí Đức, cặp vợ chồng gián điệp Nga từ Mexico đến Đức năm 1990. Ông Stefan, người sống kế cận nhà họ, kể rằng hàng xóm thường nhìn thấy bà Heirdrun ra khỏi nhà vào buổi sáng với cái túi xách thể thao lớn dù bà ta không hề tập luyện tại phòng thể thao địa phương. Nhiều người đã từng thử bắt chuyện với bà để làm quen nhưng bà luôn lịch sự trả lời rằng bà đang rất vội.
NGÔ SINH
NLĐ

Vận chuyển trái phép hơn 1 tấn ngà voi

Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh ngày 24-10 cho biết đã bàn giao hồ sơ, tang vật, phương tiện cùng các đối tượng trong vụ vận chuyển hơn 1 tấn ngà voi bằng thuyền qua biên giới Việt - Trung cho Công an TP Móng Cái điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, đêm 22-10, tại khu vực sông biên giới Km1, thuộc phường Ka Long, TP Móng Cái, trạm kiểm soát liên hợp số 1 thuộc Đội Kiểm soát hải quan số 1 - Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện hơn 1 tấn ngà voi gồm 221 khúc (có đánh số) được đối tượng Lản Hoa Tài (SN 1966, trú tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc)ngụy trang trong các bao tải dứa vận chuyển trên chiếc đò sắt mang số hiệu QN-5111.

Lực lượng chức năng kiểm tra các bao tải giấu ngà voi bị bắt giữ
Bước đầu, Lản Hoa Tài khai nhận được Vương Bá Kiên, người Trung Quốc, thuê sang Việt Nam nhận hàng là vải vụn. Ngày 22-10, Tài cùng Tạ Văn Thái và Lản Bình Khiêm (em họ Tài) vượt biên trái phép sang Móng Cái, sau đó thuê đò sắt xuống cảng Thành Đạt nhận hàng. Toàn bộ thủ tục liên quan đến hàng hóa, Tài không biết mà do A Xìn, người của Vương Bá Kiên, chịu trách nhiệm. Trong quá trình vận chuyển số tang vật trên sang Đông Hưng, Trung Quốc thì bị Đội Kiểm soát liên hợp 1 phát hiện bắt giữ.
Tin và ảnh: M.Phương
Theo NLĐ

Vấn đề & Sự kiện: Lo ngại về nợ công

Nợ nước ngoài của Việt Nam hiện tương đương 50 tỉ USD, lớn gấp 3 lần so với dự trữ ngoại hối (dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay khoảng 14-15 tỉ USD)

Trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 - 2012 và phân bổ ngân sách Trung ương diễn ra ngày 24-10, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) rất lo ngại về tình hình nợ công và đầu tư lãng phí của Việt Nam.
Bên lạc quan, bên lo ngại
Mở đầu phiên thảo luận tại đoàn TPHCM, ĐB Trần Du Lịch dẫn số liệu nợ công tăng nhanh hằng năm: “Năm nay, dự kiến trả nợ 86.000 tỉ đồng, chiếm 12,5% nguồn thu; năm 2012 trả 100.000 tỉ đồng, chiếm 13,5%”. ĐB Trần Du Lịch cho rằng điều quan trọng là phải xem xét số nợ phải trả so với nguồn thu tăng hay giảm; đánh giá việc vay nợ để đầu tư có đem lại hiệu quả hay không, chứ không phải chỉ báo cáo chung chung là nợ công của Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm GDP rồi so sánh với thế giới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận ở Quốc hội về tình hình
dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 – 2012 và phân bổ ngân sách Trung ương. Ảnh: TÔ HÀ
Trước lo ngại của nhiều ĐB về nợ công, ĐB Vương Đình Huệ (Bình Định - Bộ trưởng Bộ Tài chính) giãi bày: “Nợ công có 7 mặt tốt, đặc biệt là tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nhờ có vay nợ, GDP tăng bình quân 7,2%. Việc trả nợ vẫn được kiểm soát tốt, nước ngoài không có ý kiến gì về khả năng trả nợ của Việt Nam”. Để các ĐB yên tâm, ĐB Vương Đình Huệ nói thêm: “Nợ công từ năm 2010 đến nay tăng nhanh còn do điều chỉnh tỉ giá, do tốc độ tăng trưởng GDP không như mong muốn. Nước ngoài theo dõi nợ công của Việt Nam từng ngày còn sát hơn mình tự theo dõi và họ đánh giá Việt Nam là một trong những nước sử dụng vốn vay ODA tốt nhất thế giới”.
Nhưng quan điểm của ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) lại không lạc quan như Bộ trưởng Bộ Tài chính. ĐB Trần Hoàng Ngân quả quyết rằng nợ công của Việt Nam đã ở mức nguy hiểm, đáng báo động chứ không phải ở ngưỡng an toàn. Vì nợ nước ngoài của Việt Nam hiện tương đương 50 tỉ USD, lớn gấp 3 lần so với dự trữ ngoại hối (dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay khoảng 14-15 tỉ USD).
ĐB này dẫn chứng: “Nợ công của Thái Lan chỉ có 44,1% GDP trong khi dự trữ ngoại hối là 176 tỉ USD;  Indonesia, Malaysia nợ công chỉ có 26,9% GDP, Philippines 47,3%... So với các nước trong khu vực, nợ công của Việt Nam cao về tỉ trọng trong GDP, lại triền miên nhập siêu, dự trữ ngoại hối mỏng, bội chi ngân sách liên tục kéo dài, lấy đâu tiền để trả nợ nước ngoài?” - ĐB Ngân lo lắng.
Rà soát đầu tư, tránh thất thu thuế
Con số 333 dự án mới sai đối tượng vẫn được khởi công, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách được nhiều ĐBQH quan tâm thảo luận.
ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng đó là hệ quả của việc “ai cũng muốn tăng đầu tư cho ngành mình, sao tránh được đầu tư dàn trải”. Cùng đoàn ĐBQH Hà Nội, ĐB Phạm Quang Nghị thẳng thắn: Các ĐB ai cũng kêu ca đầu tư dàn trải nhưng khi họp QH có vị nào trong số 500 ĐB dám đứng lên nhận trách nhiệm về ngành mình và tình nguyện xin cắt giảm đầu tư không. Chắc là khó!”.
ĐB Trần Du Lịch than phiền  rằng cắt giảm đầu tư được làm rất cơ học, máy móc, đem lại hiệu quả giảm chi nhưng lại làm dang dở nhiều công trình quan trọng mà hậu quả của việc dang dở đó không đánh giá hết được. Cùng quan điểm, ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) dẫn trường hợp sân bay Phù Cát hình thành từ sân bay quân sự, chuyển sang phục vụ dân sự cần được đầu tư để đáp ứng nhu cầu du lịch, phát triển kinh tế.
Khác với thông lệ hằng năm đều vượt thu, dự toán thu ngân sách năm 2011 được Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá là “chưa năm nào khả năng tăng thu căng thẳng như năm nay và có dấu hiệu chững lại từ tháng 7-2011”. Trong bối cảnh ấy, ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm đến nguồn thu thuế từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì thu thuế từ khu vực này trong quý II/2011 giảm 83% so với quý I, quý III dự kiến giảm 40% so với 6 tháng đầu năm. “Việc chống thất thu thuế trong doanh nghiệp FDI  cần hết sức lưu tâm vì kế hoạch năm 2012, thu thuế từ khu vực tư nhân dự kiến tăng 25,1%, trong khi thuế từ doanh nghiệp FDI chỉ tăng 20,5%” - ĐB Trần Thanh Hải nói.
Làm rõ khái niệm khiếu nại đông người
Chiều 24-10, QH cho ý kiến về dự án Luật Khiếu nại. Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khiếu nại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết dự thảo luật đã làm rõ khái niệm “khiếu nại đông người” nhằm phân biệt với khiếu nại của nhiều người về những vụ việc khác nhau; nhiều người đi khiếu nại tập hợp với nhau. Theo ông Lý, dự luật cũng bổ sung quy định về việc thụ lý các trường hợp khiếu nại đông người (thông qua đơn tập thể có nhiều người ký hoặc cùng một lúc đến khiếu nại trực tiếp); địa điểm để công dân thực hiện khiếu nại đông người. Trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại đông người được giao cho Chính phủ quy định.
Đáng lưu ý, người khiếu nại được nhờ luật sư giúp đỡ; được quyền khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết ở cơ quan hành chính (để giải quyết theo trình tự tư pháp).
Góp ý dự luật, ĐB Hà Công Long (Gia Lai) băn khoăn: Về quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ có thẩm quyền tiếp dân, cơ quan tiếp dân đến đâu vẫn còn chưa rõ. ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cũng đề nghị bổ sung quy định về trường hợp được từ chối tiếp công dân sau khi đã giải quyết sự việc thỏa đáng. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị đưa vào luật quy định việc thừa kế quyền khiếu nại của những vụ việc kéo dài khi người khiếu nại đầu tiên đã qua đời…
T.Dũng
Tô Hà - Thế Dũng
Theo NLĐ